Liên Minh Hợp Tác Xã Đắk Lắk

http://lmhtxdaklak.org.vn


Các hợp tác xã nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm

Sáng ngày 18/10, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ ba, khoá VI, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được diễn ra với hình thức tại chỗ và trực tuyến nhằm đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoản, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết theo thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước; đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sụt giảm nghiêm trọng thương mại toàn cầu. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, đặc biệt bùng phát mạnh trong quý III, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội của nước ta; hoạt động kinh tế và đời sống của tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX (LHHTX) và thành viên gặp nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh có thời gian giãn cách kéo dài.

Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Nghị quyết số 88/NQ-LMHTXVN ngày 22/3/2021 của Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam và báo cáo của Liên minh HTX 63 tỉnh, thành phố (gọi tắt là cấp tỉnh); Liên minh HTX Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX 9 tháng đầu năm 2021.

HTX chuyển đổi phương thức, hình thức, sản lượng, nâng cao chất lượng

Bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách và phát triển HTX, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, chính sách phát triển KTTT, HTX và hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 ở Trung ương, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Bộ, ngành về phát triển KTTT, HTX và các chính sách trong đó có đối tượng thụ hưởng là HTX được ban hành. Bên cạnh đó, ở địa phương, Tỉnh uỷ, Thành uỷ, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành trên 200 văn bản chỉ đạo phát triển KTTT, HTX.

Tại Hội nghị, bà Oanh cho biết, KTTT, HTX duy trì thành lập mới ở hầu hết các tỉnh trong cả nước, ước đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đa dạng lĩnh vực hoạt động tại các vùng, miền trong cả nước. 9 tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 1.307 HTX (đạt 87% chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2021, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 27,4%). Đến tháng 9/2021, cả nước có 26.593 HTX; trong đó 17.374 HTX nông nghiệp (chiếm 65,3%), 8.031 HTX phi nông nghiệp (chiếm 30,2%) và 1.188 Quỹ Tín dụng nhân dân (chiếm 4.5%).

HTX nông nghiệp trong thời kỳ đầu năm hoặc ở nhiều tỉnh ít bị tác động dịch bệnh duy trì tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm; một số nơi đạt hoặc vượt kế hoạch, mục tiêu về diện tích sản xuất và sản lượng nông sản đề ra. Hầu hết các loại hình HTX, LHHTX chủ động, tham gia chủ lực trong sản xuất, liên kết các loại hình, phục vụ giải pháp cung ứng đủ lương thực thực phẩm, bình ổn giá cả, hỗ trợ, cứu trợ, trung chuyển, cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho người dân (điện, môi trường, tín dụng, xây dựng) trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, HTX chuyển đổi phương thức, hình thức, sản lượng, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, tổ chức quản lý hoạt động, quản trị HTX, duy trì chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm. HTX chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền, nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh; làm tốt công tác hỗ trợ, ủng hộ vùng chịu tác động do dịch bệnh Covid-19

Có phương án giãn cơ cấu các khoản nợ xấu đối với thành viên

9 tháng đầu năm, HTX nông nghiệp duy trì ổn định với 61,2% sản lượng sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, dược liệu. Một số địa phương đã tổ chức sản xuất theo quy định, đồng thời điều kiện tự nhiên, mùa vụ thuận lợi nền có sản lượng về trồng trọt, sản xuất lúa vụ đông xuân và hè thu tăng cao, sản lượng chăn nuôi, thủy sản vượt kế hoạch, đặc biệt ở những tỉnh ít bị ảnh hưởng dịch bệnh như Phú Thọ, Quảng Ninh, Yên Bái, Hòa Bình,…

Sản lượng rau tăng 18,2% (Thanh Hóa), thủy sản lồng bè tăng 2,5% (Hải Dương), năng suất vụ đông xuân, sản lượng lúa tốt, giá ổn định, doanh thu tăng, lợi nhuận bình quân, thành viên, thu nhập thành viên tăng 4-6% so với cùng kỳ năm 2020. Tại Cần Thơ, nhiều HTX liên kết với tập đoàn Lộc Trời quy hoạch vùng sản xuất, tạo liên kết hộ nông dân, đảm bảo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định. Tại Bạc Liêu các HTX nông nghiệp ký kết với công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp thủy sản Bạc Liêu, công ty TNHH chế tạo bơm TS, công ty TNHH Agropest Việt Nam tỉnh Kiên Giang.

Tỷ trọng sản phẩm, dịch vụ của HTX, LHHTX và THT trong sản xuất công nghiệp, vận tải, thương mại, môi trường, tín dụng địa bàn nông thôn chiếm 15% - 25% tổng sản lượng hoặc giá trị dịch vụ ở các địa phương.

Hầu hết các HTX môi trường, HTX điện năng vẫn cơ bản duy trì ổn định hoạt động tích cực thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường khu vực nông thôn và thành thị. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, có hệ thống quản lý chặt chẽ, góp phần hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Giảm lãi suất cho vay, có phương án giãn cơ cấu các khoản nợ xấu đối với thành viên và tạo điều kiện cho thành viên chi trả do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp. Một số hoạt động ổn định có lãi như tại tỉnh Vĩnh Long, Hà Nội, Thanh Hóa,…, 31,1% mô hình khác (chợ, việc làm, xây dựng) duy trì hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập thành viên và lao động địa phương.

Các HTX nông nghiệp tăng cường thu mua tập trung, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, thay đổi hình thức trước đây lượng lớn sản phẩm do thành viên tự tiêu thụ ở các chợ dân sinh, từng thành viên bán buôn cho thương lái. Một số HTX chuyển đổi phương thức, hình thức, sản lượng, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm (sạch, hữu cơ, VietGap, GlobalGap).

Một số đã chủ động, sáng tạo, ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh: HTX Trường Anh, Lộc Rừng, Thắng Lợi,… (Cao Bằng), HTX SXTM NN sạch Hoằng Đạo (Thanh Hóa), HTX nuôi trồng thủy sản Thăng Long (Hải Dương); HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao, Mê Linh, Hà Nội thay vì trồng củ cải toàn diện tích như trước, nay chuyển sang trồng rau ăn lá ngắn ngày (cải ngọt, cải muối dưa, 25-30 ngày thu hoạch, giảm diện tích trồng 50%, tiêu thụ hết luống mới gieo trồng tiếp, đảm bảo tiêu thụ và giá sản phẩm. HTX Thuận Tiến, HTX Giọt Phù Sa tỉnh Cần Thơ, 39,2% HTX trên nhiều tỉnh, thành phố chuyển hướng sang bán hàng online qua các kênh như facebook, zalo và các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee…

Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu của HTX, LHHTX, THT

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, để có được những kết quả đạt được. các HTX giảm quy mô lao động, ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Bên cạnh đó, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam huy động các nguồn lực hỗ trợ HTX, LH HTX, THT và hướng dẫn HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng tưởng kinh tế, ổn định giá cả thị trường.

Cùng với đó, ông Bảo cho biết trong những tháng cuối năm, cần tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu của HTX, LHHTX, THT về vốn tín dụng, tập trung tối đa các nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh các hình thức liên kết các tỉnh theo vùng, miền, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, tập trung cho các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu của HTX, tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19, giảm 50% hoặc miễn phí xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR cho thành viên HTX và người lao động, đặc biệt ưu tiên các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Một giải pháp cần thiết là việc các HTX, THT, LHHTX cần phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa, bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại địa phương, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất sản phẩm theo chương trình OCOP. Tư vấn, hỗ trợ HTX chuyển hướng sang bán hàng online qua các kênh như facebook, zalo và các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee. Kết nối tiêu thụ sản phẩm qua cổng thông tin kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm do Liên minh HTX Việt Nam triển khai…

Phối hợp các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển KTTT, HTX năm 2021. Thống kê, đánh giá và thông tin thường xuyên và kịp thời về sản lượng sản xuất, tiêu thụ, tồn kho các sản phẩm hàng hóa của HTX trên địa bàn, nhất là lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác, kể cả dự báo sản lượng nông sản thu hoạch trong những tháng cuối năm 2021.

Huy động nguồn nhân lực trong và ngoài địa phương để hỗ trợ thu hoạch nông sản do HTX và THT, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; cho các chợ đầu mối và chợ truyền thống hoạt động cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Quang Trung - Quỳnh Trang
Ảnh: Lê Huy
Nguồn: Liên minh HTX Việt Nam
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây