Liên Minh Hợp Tác Xã Đắk Lắk

http://lmhtxdaklak.org.vn


Hợp tác xã dệt thổ cẩm trước ngày hội lớn

Chuẩn bị đón chào Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, những ngày này, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Tơng Bông tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đang rộn ràng, hối hả tập trung dệt để đáp ứng đơn hàng của nhiều cửa hàng lưu niệm phục vụ lễ hội.

Chị H’Yam Bkrông, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông cho biết, hiện có hơn 10 cửa hàng phân phối hàng lưu niệm và các nhà hàng tại TP. Buôn Ma Thuột đặt hàng thổ cẩm để phục vụ du khách trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Số lượng sản phẩm đặt hàng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước nên thành viên HTX đang tập trung làm việc hết công suất. Ngoài các loại quần áo thổ cẩm dân tộc thiểu số tại chỗ (phần lớn là dân tộc Êđê) với nhiều mẫu mã, hoa văn, thiết kế tinh xảo còn có các sản phẩm đa dạng như túi xách (kích cỡ lớn nhỏ), khăn, túi hạt thơm, cà vạt, ví, gối kê… Tại lễ hội lần này, khách hàng còn đặt số lượng lớn “túi thổ cẩm đựng phin cà phê” cho du khách.

Các sản phẩm thổ cẩm đa dạng của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông.

HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông có 45 thành viên, hầu hết là phụ nữ đồng bào dân tộc tại chỗ, trong đó có 4 thành viên dệt bằng máy, làm việc thường xuyên tại HTX, còn lại là dệt thủ công có thể làm việc tại HTX hoặc nhà riêng. Chị H’Yam cho biết, sản phẩm dệt bằng máy dễ cạnh tranh hơn trên thị trường bởi giá thành rẻ hơn (bằng 1/3 giá dệt thủ công), song nét tinh tế, sắc sảo và chất lượng sử dụng thì không bằng sản phẩm dệt bằng khung gỗ thủ công. Các thành viên làm việc tập trung tại HTX có lương cố định 4,2 triệu đồng/tháng, được ăn trưa tại HTX, còn thành viên dệt thủ công bằng khung gỗ tại nhà thì trả công theo sản phẩm làm ra, với thu nhập tối thiểu 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị H’Tuyết Êban, một thành viên gắn bó với HTX hơn 20 năm qua, đang tập trung may các loại túi xách để kịp trả đơn hàng cho khách. Chị H’Tuyết chia sẻ rằng mình rất phấn khởi với không khí hối hả, tập trung làm việc cho kịp đơn hàng dịp lễ hội bởi nhiều đơn hàng nghĩa là thu nhập sẽ tăng thêm. Gia đình chị H’Tuyết có 5 nhân khẩu, chăm sóc vườn hơn 4.000 m2 cà phê song hiệu quả kinh tế không cao, nhờ thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm mà cuộc sống của gia đình chị được cải thiện hơn nhiều.

Thành viên của HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông đang tập trung thực hiện các đơn hàng cho dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.

Trong những năm qua, chị H’Yam Bkrông, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông đã nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường, tích cực tham gia các hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của HTX. Chị cũng đã mạnh dạn đầu tư khu nhà sàn và các tiện ích đính kèm của người Êđê để du khách xa có thể nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại HTX. Từ năm 2022 đến nay, hoạt động dệt thổ cẩm bắt đầu phục hồi lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến ngoài việc mua sản phẩm còn trải nghiệm đời sống văn hóa, ẩm thực của người dân tộc tại chỗ, qua đó, sản phẩm thổ cẩm của HTX cũng đã được biết đến nhiều hơn.

Cẩm Lai
Theo Báo Đắk Lắk

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây