Liên Minh Hợp Tác Xã Đắk Lắk

http://lmhtxdaklak.org.vn


Kinh tế tập thể khẳng định vị thế

Thời gian qua, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) có nhiều chuyển biến tích cực. KTTT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

40% HTX hoạt động hiệu quả

Toàn tỉnh hiện có 708 HTX (45 HTX thành lập mới từ đầu năm đến nay), trong đó có 487 HTX nông nghiệp, 50 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 54 HTX vận tải, 80 HTX thương mại - dịch vụ, 25 HTX xây dựng và 12 quỹ tín dụng nhân dân. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, KTTT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Từ khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, các HTX đã chuyển đổi hoạt động sang mô hình kiểu mới, theo đó, công tác tổ chức, kế hoạch sản xuất, liên kết với doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn và từng bước mang lại hiệu quả nhất định. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sau khi có Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 17/3/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, kế hoạch của HĐND, UBND tỉnh đã giúp KTTT có nhiều bước phát triển. Các HTX tồn tại hình thức chiếm tỷ lệ thấp, trong tổng số các HTX toàn tỉnh có 40% HTX hoạt động hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm, mang lại thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động.

Trong lĩnh vực sản xuất cà phê, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những đơn vị điển hình về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. HTX có 49 thành viên (90% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số) và liên kết khoảng 150 hộ dân, canh tác hơn 220 ha (chủ yếu là cà phê), với sản lượng đạt 500 tấn/năm. Đơn vị đã đầu tư mua đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất rộng 500 m2 và thuê khu vực sân phơi với diện tích 1.000 m2, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, với kinh phí 2 tỷ đồng để tập trung sản xuất cà phê nhân và liên kết với Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam để tạo đầu ra ổn định.

Thu hái nấm tại Hợp tác xã Linh chi và dịch vụ Nông nghiệp Krông Ana. Ảnh: Minh Phương

Ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết, năm 2016, cà phê nhân xanh của HTX đã đạt chứng nhận thương mại Công bằng (FLO) do Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương mại công bằng - Fairtrade Labelling Organization International xây dựng. Theo tiêu chuẩn này, nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, thân thiện với môi trường, thu hoạch quả chín trên 80%. Sản phẩm được chứng nhận, có chất lượng tốt nên cà phê của HTX dễ dàng tiếp cận với thị trường các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức… thông qua nhà xuất khẩu.

Đến nay, trung bình mỗi năm HTX tiêu thụ 200 tấn cà phê nhân có chứng nhận (RA) liên kết với Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam và 229 tấn cà phê nhân có chứng nhận Thương mại công bằng. Bên cạnh đó, từ năm 2019, đơn vị tiếp tục phát triển thêm các dòng cà phê bột cung cấp cho thị trường trong nước và xây dựng 3 sản phẩm cà phê bột đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020 là cà phê đặc sản, Robusta và Honey. Trong năm 2023, HTX dự kiến sẽ có doanh thu đạt khoảng 12 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2022, tạo việc làm cho 16 lao động tại địa phương. Ngoài duy trì sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê, đơn vị phát triển thêm 60 ha sản xuất cà phê hữu cơ (organic) và xây dựng vùng trồng cho 14 ha sầu riêng để tăng thêm thu nhập cho thành viên và người dân.

 

“HTX đóng vai trò cốt lõi trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển KTTT cũng sẽ góp phần giữ vững chính trị, an ninh cơ sở, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, tạo ra sản phẩm có thương hiệu cho địa phương” - ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk.

HTX Sản xuất và dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải (buôn Tung 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk) thành lập năm 2012. Ban đầu, HTX chỉ có 21 thành viên là những nông dân trồng lúa theo kiểu tự phát. Đến nay, HTX đã thu hút 108 thành viên chính thức, sản xuất 80 ha lúa giống Đài thơm, RVT. Đơn vị liên kết với doanh nghiệp để cung ứng phân bón với giá gốc, đến mùa thu hoạch mới trả tiền; đồng thời, bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá cao hơn thị trường từ 1.000 – 1.500 đồng/kg. Ngoài ra, HTX cũng sản xuất 200 ha lúa thương phẩm và 40 ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Nguyễn Ngọc Côn, Giám đốc HTX, hiệu quả mà HTX mang lại cho người dân cũng như các thành viên không chỉ là về kinh tế với thu nhập gần 80 triệu đồng/ha đất lúa mà còn là sự thay đổi tư duy làm kinh tế từ kiểu “mạnh ai người làm” đến liên kết sản xuất theo quy mô hàng hóa nhằm giảm rủi ro và nâng cao thu nhập.

Cần thêm nguồn lực

Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Những nội dung trọng tâm là hỗ trợ HTX thành lập mới, đầu tư hạ tầng cơ sở và công nghệ sản xuất cho các HTX. Do đó, việc sản xuất theo chuỗi giá trị đang được các HTX dần hình thành và phát triển, xuất hiện nhiều HTX điển hình như: HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông), HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar), HTX Vận tải cơ giới Krông Năng… Đặc biệt, sau khi Nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết, nhiều HTX đã liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, tạo ra chuỗi sản xuất hiệu quả, gia tăng giá trị sản phẩm của người dân.

Cùng với chính sách của tỉnh, hằng năm, Liên minh HTX tỉnh cũng tập trung hỗ trợ HTX về các vấn đề như: tư vấn kế hoạch tổ chức kinh doanh, hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, kỹ thuật. Đối với các HTX nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh đang chú trọng đầu tư các công trình giao thông, kênh mương thủy lợi và cơ sở chế biến. Các HTX thương mại dịch vụ phi nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đầu tư về công nghệ số, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử...

Thu hoạch cà phê tại Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Phương

Mặc dù đã có chuyển biến, hoạt động ngày càng thực chất, hiệu quả, tuy nhiên KTTT của tỉnh còn nhiều khó khăn do quy mô phát triển nhỏ, lẻ; hạ tầng thiếu thốn, đặc biệt, đất đai xây dựng trụ sở, khu sản xuất HTX phải đi thuê, mượn gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh, hợp tác với các doanh nghiệp. Đồng thời, lực lượng cán bộ của các HTX còn yếu kém về năng lực quản trị, chuyên môn, do vậy sản xuất cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, thực hiện Luật HTX 2012 trong thực tiễn cũng còn nhiều bất cập như các vấn đề về quy định Luật Đất đai, cung cấp dịch vụ cho các thành viên tối thiểu 80%, góp vốn của thành viên không quá 20% tổng giá trị tài sản; tài sản của HTX để mở rộng sản xuất hiện nay là tài sản chung không được thế chấp, nên các HTX khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Chưa kể, điều kiện quy định để HTX được Nhà nước hỗ trợ còn khắt khe…

Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tích cực đánh giá lại thực trạng, khó khăn của HTX để có những chính sách phù hợp, tháo gỡ vướng mắc cho HTX. Trong đó, chú trọng đến kế hoạch trung hạn và dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng… để giảm áp lực cho HTX và hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất. Các cấp ủy, chính quyền cần xem phát triển KTTT là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Minh Chi - Phương Thảo
Theo Báo Đắk Lắk

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây