Khóa tập huấn giảng viên nguồn về “An toàn vệ sinh lao động trong canh tác cà phê” tại Đà Lạt, Lâm Đồng

Thứ ba - 09/08/2022 10:07
Ngày 2-4/8/2022, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ VZF tổ chức Tập huấn giảng viên nguồn về “An toàn vệ sinh lao động trong canh tác cà phê”tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Tham gia Tập huấn có 24 học viên là lãnh đạo của Liên minh HTX tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng và các HTX trồng – sản xuất cà phê tại 2 tỉnh.

Tham dự lễ khai giảng lớp học có bà Kristina Kurths, Cố vấn dự án của ILO, ông Trần Minh Trí, Giám đốc dự án; đại diện lãnh đạo Ban Hợp tác quốc tế, Cơ quan Thường trực Liên minh HTX Việt Nam tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giảng viên của ILO cùng 24 học viên là lãnh đạo, cán bộ Liên minh HTX tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng và các HTX trồng – sản xuất cà phê tại 2 tỉnh.

Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới và thứ nhất tại châu Á. Trong năm 2021, với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid19, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đạt trên 1,5 triệu tấn với giá trị trên 2,7 tỷ USD và ngày càng tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Tính chung sáu tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,02 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 48,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, sau khi hai Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP và EVFTA có hiệu lực trong thời gian gần đây đã giúp sản phẩm cà phê của Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng mới.

Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội này, ngành cà phê Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức như biến đổi khí hậu, sản xuất với quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết và sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp. Đồng thời, việc sử dụng trên 600.000 nhân công và tạo sinh kế cho hơn 2,6 triệu người cũng ảnh không nhỏ đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Trong quá trình sản xuất kinh doanh ngành cà phê, nhiều người lao động làm việc tại các HTX sản xuất cà phê không khỏi lo lắng khi phải đối mặt với những nguy cơ và rủi ro về lao động như làm việc với các thiết bị máy, thiết bị, hóa chất nông nghiệp, điều kiện lao động sản xuất, chế biến còn thô sơ, manh mún. Những vấn đề mất ATVSLĐ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt lao động, sử dụng nhiều lao động thời vụ, không ổn định và thiếu hiệu quả công việc trong ngành cà phê. Trong chuỗi cung ứng cà phê, người lao động trồng cà phê chưa có hợp đồng lao động, chưa được đào tạo về ATVSLĐ, khám sức khỏe, chưa nhận thức về rủi ro và cách thức bảo vệ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối với các HTX chế biến, các cơ sở rang xay nhỏ, người lao động cũng ở tình trạng tương tự. Để nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng cà phê tại Việt Nam thông qua việc cải thiện điều kiện lao động, đặc biệt là công tác ATVSLĐ trong toàn chuỗi, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Dự án VZF và ILO tổ chức khóa tập huấn để các giảng viên trình bày về các phương pháp ATVSLĐ trong chuỗi cà phê và cũng là nơi để các học viên chia sẻ các hoạt động mà HTX đã áp dụng và kế hoạch triển khai hoạt động tiếp theo sau khi lớp tập huấn kết thúc. Liên minh HTX Việt Nam mong muốn đề nghị Dự án tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho khu vực HTX trồng, sản xuất và chế biến chuỗi cà phê để xây dựng chiến lược can thiệp một cách hiệu quả nhằm hỗ trợ cải thiện công tác ATVSLĐ trong chuỗi cà phê trong thời gian tới. 

Trần Thu Hằng – Ban Hợp tác quốc tế, Liên minh HTX Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây