Nâng tầm thương hiệu dứa Krông Bông

Thứ ba - 22/03/2022 03:22
Với sự nỗ lực của nhân dân và chính quyền huyện Krông Bông, sản phẩm dứa tươi trên địa bàn đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là tiền đề quan trọng, tạo cơ hội nâng cao giá trị thương mại sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường, nâng cao thu nhập của người dân.

Hiệu quả kinh tế cao

Cây dứa được người dân trên địa bàn huyện Krông Bông đưa vào trồng tự phát từ năm 2010 đến nay. Địa hình đồi dốc, khí hậu khắc nghiệt ở địa phương giúp loại cây trồng này sinh trưởng tốt, quả dứa to, mắt thưa, nhiều mật, được khách hàng ưa chuộng. Dứa trồng đến năm thứ hai đã cho thu hoạch và có tuổi thọ trong vòng 5 - 7 năm tùy vào điều kiện chăm sóc.

Thấy hiệu quả kinh tế từ cây dứa, người dân đã chủ động chuyển đổi nhiều diện tích cà phê, sắn, ngô kém hiệu quả sang trồng dứa và phát triển mạnh loại cây này trong 5 năm gần đây. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.000 ha dứa, chủ yếu là giống Cayene, năng suất trung bình đạt 35 tấn/ha.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Cư Drăm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây dứa.

Gắn bó với cây dứa mười năm nay, hiện gia đình anh Đinh Văn Long (thôn Nhân Giang, xã Yang Mao) vẫn tiếp tục phát triển loại cây này trên diện tích 2 ha đất đồi của mình. Để tăng thu nhập, hằng năm gia đình anh đều áp dụng kỹ thuật giúp dứa chín sớm cho toàn bộ diện tích, khi dứa chín đồng loạt, thu hoạch trong vòng 15 ngày là xong. Thời điểm này diện tích dứa của gia đình anh đang cho thu hoạch rộ, với giá bán hiện tại 15.000 – 17.000 đồng trái to và 7.000 đồng trái nhỏ. Mỗi vụ dứa đã mang lại lợi nhuận cho gia đình anh gần 300 triệu đồng/năm.

Dứa cũng là loại cây trồng chủ lực của gia đình ông Trần Duy Tư (thôn 1, xã Cư Drăm) nhiều năm nay. Từ 2 ha dứa ban đầu, ông Tư đã mở rộng diện tích lên 9 ha, trong đó có 7 ha dứa đã cho thu hoạch. Theo tính toán của ông, năng suất dứa giảm dần theo từng năm, trung bình thu được khoảng 2.000 quả, với trọng lượng 1,5 kg/quả, giá bán bình quân 10.000 đồng/quả, gia đình ông lãi 150 triệu đồng/ha.

Người dân huyện Krông Bông vận chuyển dứa đi tiêu thụ.

Để người dân liên kết sản xuất, phát huy tiềm năng địa phương, tháng 8/2020, huyện đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ dứa Cư Drăm, gồm 10 thành viên, với diện tích ban đầu là 70 ha, đến nay đã tăng lên 250 ha dứa. Đầu tháng 3/2022 vừa qua, người dân đã vui mừng đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Dứa Cư Drăm - Krông Bông” của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đó là thành công bước đầu tạo thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm địa phương.

Cần có giải pháp đồng bộ

Chứng nhận nhãn hiệu tập thể đã tạo nền tảng cho việc hình thành vùng chuyên canh dứa tập trung, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên việc quản lý, khai thác, nâng tầm thương hiệu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Sản phẩm dứa tươi của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ xã Cư Drăm được quảng bá tại Chương trình trưng bày sản phẩm nông nghiệp nông thôn huyện Krông Bông năm 2022.

Bà Trần Thị Len, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ dứa Cư Drăm cho biết, hiện tại diện tích dứa của HTX vẫn dựa vào sức mua của thương lái, chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cũng đã có nhiều công ty đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm cho HTX, nhưng với điều kiện phải là giống dứa Qeen và MD2, trong khi đó, người dân chủ yếu trồng giống dứa Cayene; đồng thời mong muốn ký kết thu mua lá dứa để làm sợi dệt tạo ra sản phẩm túi xách, mũ… song cây trồng phải được chăm sóc hoàn toàn bằng phân hữu cơ. Để đáp ứng nhu cầu thị trường còn khá nhiều khó khăn và cần thời gian, hướng trước mắt HTX sẽ cùng địa phương nỗ lực thay đổi dần giống dứa, tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Về lâu dài sẽ có kế hoạch sản xuất sâu về dứa như: dứa sấy, mứt dứa, nước ép dứa…

 
Trong năm nay, huyện sẽ hỗ trợ trồng thử nghiệm 5 sào dứa MD2 tại xã Cư Drăm để đánh giá hiệu quả, vận động người dân chuyển đổi giống mới. Đồng thời, khảo sát để hỗ trợ người dân phát triển 40 ha dứa theo quy trình VietGAP, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, bền vững, nâng cao chất lượng, phát triển nhãn hiệu dứa địa phương”.
 
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Võ Tấn Trực

Đồng hành cùng người dân, Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông đã mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức trưng bày sản phẩm nông nghiệp để quảng bá sản phẩm; mở hội thảo xúc tiến thương mại, hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP… Hiện huyện đang tập trung khảo sát lại diện tích trồng dứa trên địa bàn để xây dựng vùng chuyên canh tại 3 xã: Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao. Đồng thời, vận động người dân chuyển dần diện tích trồng dứa Cayene qua giống dứa MD2. Dứa MD2 có đặc điểm ít nước, trọng lượng trung bình đạt khoảng 1 – 1,2 kg, thuận tiện cho việc đóng gói, bảo quản, dễ dàng xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Để chọn loại giống MD2 nuôi cấy mô đảm bảo chất lượng sản phẩm thì giá giống khá cao, người dân sẽ gặp khó khăn cho việc đầu tư chuyển đổi. Do đó, Phòng NN-PTNT huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện trích một phần kinh phí từ Nghị quyết 04 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ bà con chuyển đổi giống dứa mới trong năm 2023.

Để tạo được uy tín, nâng tầm thương hiệu dứa địa phương, phải có những giải pháp, lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, cần sự đồng hành của các công ty, doanh nghiệp và chung tay của người dân, cùng các ban, ngành địa phương nhằm trợ lực cho việc sản xuất, chế biến, khẳng định vị thế sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây