Sự thành công của bảo hiểm tương hỗ gắn với vai trò quan trọng của hợp tác xã

Thứ sáu - 10/09/2021 08:07
Sáng 09/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)”. Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chủ trì phiên họp. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tham dự phiên họp và phát biểu đóng góp ý kiến.

Nhằm cung cấp thông tin phục vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trọng việc xem xét, cho ý kiến về dự án luật tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo trực tuyến “Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, thu thập ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia về những vấn đề còn nhiều ý kiến trong Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tại Hội thảo, đại diện cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ về nhu cầu và hiệu quả hoạt động bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô trong các Hợp tác xã, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, trên thế giới bảo hiểm tương hỗ có lịch sử lâu đời, phát triển rộng và tăng trưởng liên tục, chiếm thị phần lớn trong ngành bảo hiểm; sự thành công của bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô tại các nước gắn liền với vai trò quan trọng của hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô ở Việt Nam chưa phát huy hiệu quả, độ phủ còn ít, mà nguyên nhân chủ yếu là Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để khai thác được các thế mạnh của HTX. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần có những quy định HTX hoạt động bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô nhằm nâng cao hiệu quả của bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tài chính toàn diện, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mô hình tổ chức tương hỗ và bảo hiểm tương hỗ

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, trên thế giới, tổ chức tương hỗ có quan hệ mật thiết với hợp tác xã (HTX), trong đó HTX là một tổ chức tương hỗ đặc thù, được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn các tổ chức tương hỗ thông thường khác. Ví dụ, tại Australia, tổ chức tương hỗ là một tổ chức do thành viên sở hữu, tham gia trên nguyên tắc tự nguyện nhằm đáp ứng nhu cầu chung. Tổ chức tương hỗ chính là HTX khi thành viên đều bình đẳng (mỗi thành viên một phiếu bầu) và tuân thủ theo 7 nguyên tắc của HTX.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, các quốc gia và tổ chức quốc tế không phân định tách biệt giữa HTX bảo hiểm và tổ chức bảo hiểm tương hỗ do sự gắn kết mật thiết và không tách rời của hai mô hình này. Liên minh HTX quốc tế (ICA) trong báo cáo hàng năm xếp Tổ chức bảo hiểm tương hỗ và HTX bảo hiểm vào một nhóm, theo báo cáo năm 2020 của ICA thì nhóm này chiếm trên 33% trong top 300 Tổ chức tương hỗ - HTX lớn nhất toàn cầu. Các công ty bảo hiểm tương hỗ của Mỹ có nguồn gốc từ các HTX và được tổ chức trên cơ sở các cộng đồng dân cư địa phương. Liên đoàn bảo hiểm các HTX nông nghiệp Nhật Bản (Zenkyoren), đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm tương hỗ hàng đầu tại Nhật Bản, xác định sứ mệnh là phục vụ và tuân thủ “các nguyên tắc cơ bản nhất của hợp tác xã nông nghiệp”.

Sự thành công của bảo hiểm tương hỗ gắn với vai trò quan trọng của HTX

“Nhiều quốc gia khuyến khích HTX cung cấp dịch vụ bảo hiểm và bảo hiểm trở thành hoạt động quan trọng hàng đầu của các HTX. HTX bảo hiểm chỉ đứng thứ hai sau HTX nông nghiệp trong danh sách 300 hợp tác xã lớn nhất thế giới theo báo cáo của Liên minh ICA”- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đưa ra ý kiến.

Tại Hàn Quốc, chính phủ đã triển khai thành công mô hình HTX Trung tâm dịch vụ một cửa, cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho nông dân. Hàn Quốc đã sáp nhập ngân hàng nông nghiệp và HTX nông nghiệp thành HTX nông nghiệp kiểu mới vào năm 1961, trở thành HTX tổng hợp trong đó thực hiện mua sắm đầu vào và hàng hóa thiết yếu cho nông dân, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, cung ứng cơ sở hạ tầng, ngân hàng, bảo hiểm cho nông dân theo mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa (One stop service Centre). Tại Nhật Bản, bảo hiểm là một trong những hoạt động hỗ trợ quan trọng nhất mà các liên đoàn HTX đều thực hiện, ¼ dân số, trên 38 triệu thành viên sử dụng bảo hiểm do HTX cung cấp.

Về mô hình tổ chức bảo hiểm tương hỗ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ hay tổ chức bảo hiểm tương hỗ có nhiều điểm tương đồng với HTX, nhưng khác với các nước trên thế giới, tổ chức tương hỗ tại Việt Nam được hiểu không bao gồm và không có quan hệ mật thiết với HTX. Tổ chức tương hỗ theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, theo Thông tư 52/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính và theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, giống HTX khi đều có tư cách pháp nhân, do các thành viên thành lập nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng khác nhau ở chỗ HTX quy định rõ hơn các tổ chức tương hỗ thông thường là HTX hoạt động trên nguyên tắc bình đẳng.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, mô hình bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô tại Việt Nam chưa phát huy hiệu quả và độ phủ chưa cao, được quy định và hướng dẫn từ lâu, tuy nhiên, trái với xu hướng chung trên thế giới, bảo hiểm tương hỗ theo mô hình tổ chức bảo hiểm tương hỗ tại Việt Nam chưa phát huy hiệu quả.

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được quy định trong Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Nghị định 18/2005/NĐ-CP ngày 24/02/2005 và được hướng dẫn khá chi tiết trong Thông tư 52/2005/TT-BTC ngày 20/6/2005 về hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, không nhiều tổ chức được thành lập theo mô hình này. Theo báo cáo của ILO, thay vì thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ, các tổ chức, cá nhân hoạt động dưới hình thức quỹ tương trợ, hoặc quỹ bảo hiểm vi mô, trong đó tiêu biểu có Quỹ Tương trợ cung cấp bảo hiểm vi mô thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mô hình bảo hiểm tương hỗ thậm chí không còn phổ biến hoặc không phù hợp với đặc thù kinh doanh bảo hiểm.

Bảo hiểm vi mô tại Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến, chưa thu hút được các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia cung cấp, nhưng bước đầu tương đối thành công khi được các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp triển khai. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 chưa có quy định riêng với tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô, các doanh nghiệp khi triển khai bảo hiểm cho người có thu nhập thấp vẫn phải thực hiện các yêu cầu về vốn, chi phí phân phối như đối với các sản phẩm thương mại thông thường, trong khi hiệu quả kinh tế thu được không cao, do đó các doanh nghiệp bảo hiểm chuyên nghiệp không quan tâm nhiều đến bảo hiểm vi mô và việc triển khai trong thời gian qua chưa thu được nhiều kết quả, 02 trên 03 doanh nghiệp đã từng cung cấp là Prudential và Dai-ichi đã ngừng triển khai sản phẩm này.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến mô hình bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô chưa thành công ở Việt Nam như nhiều nước trên thế giới là: (1) Pháp luật về bảo hiểm chưa quy định cụ thể về HTX thực hiện hoạt động bảo hiểm tương hỗ, bảo hiểm vi mô; (2) Nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế đặc biệt những người có thu nhập thấp cho rằng không cần hoặc chưa cần thiết; (3) Đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam chưa muốn cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô do hiệu quả thấp; (4) Khó xây dựng mô hình thu phí bảo hiểm sao cho hiệu quả, đơn giản để duy trì và phát triển.

Kinh nghiệm các nước và thực tiễn Việt Nam cho thấy hệ thống HTX sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phổ biến và hiệu quả của các mô hình bảo hiểm tương hỗ, bảo hiểm vi mô, do: (1) HTX có mạng lưới rộng khắp, với số lượng thành viên lớn, các thành viên có đặc điểm nhân khẩu học phù hợp với bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô; (2) Bảo hiểm tương hỗ, bảo hiểm vi mô là hoat động quan trọng, phù hợp với tôn chỉ của HTX, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tương hỗ và không ai bị bỏ lại phía sau, giúp bảo đảm cuộc sống hiện tại và tương lai, đảm bảo an ninh cá nhân và tài chính của thành viên HTX, cũng như đảm bảo sự ổn định của nông nghiệp và an sinh xã hội; (3) HTX có thể thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên tinh thần tương hỗ với chi phí thấp, nhanh và tận tụy với người dân, điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm khó thực hiện; (4) Nâng cao nhận thức về bảo hiểm cho các thành viên, đặc biệt các thành viên hộ nông dân; (5) HTX là kênh truyền dẫn, phân phối hiệu quả, đưa nhiều sản phẩm dịch vụ, trong đó có bảo hiểm tới tận tay người dân, đặc biệt người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các hộ gia đình có thu nhập thấp, hoạt động tài chính nội bộ trong HTX góp phần tích cực xây dựng hệ thống tài chính bao trùm của nền kinh tế, đảm bảo cho tất cả những người nghèo và nhóm yếu thế có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính mà không gặp phải rào cản mang tính phân biệt nào.

Sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012

Sửa đổi cụ thể Luật Kinh doanh bảo hiểm, quy định cụ thể HTX được thực hiện dịch vụ bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô. So với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, chỉ có quy định về tổ chức bảo hiểm tương hỗ, Dự thảo Luật Bảo hiểm đã quy về bảo hiểm vi mô, đồng thời quy định tổ chức bảo hiểm tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, tuy nhiên, quy định như dự thảo hiện tại sẽ khó phát huy hiệu quả loại hình bảo hiểm này do: (i) Mô hình tổ chức bảo hiểm tương hỗ từ khi được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 đến nay hoạt động chưa hiệu quả, nay lại gắn với duy nhất một sản phẩm khó kinh doanh, chưa hấp dẫn, mang tính xã hội cao như bảo hiểm vi mô nên càng khó thành công; (ii) Chưa mở rộng và phát huy vai trò, sự tham gia của hệ thống HTX, trong khi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy đây là các nhân tố rất quan trọng đem lại sự thành công cho bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề xuất sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 bởi HTX là tổ chức kinh tế đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân hoạt động như một loại hình doanh nghiệp như quy định tại Luật HTX năm 2003; bỏ quy định liệt kê các dịch vụ HTX được thực hiện, hoặc quy định đủ các dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX thực hiện các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên, phù hợp với cơ chế thị trường và pháp luật của Nhà nước, trong đó có dịch vụ bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô.

 Quỳnh Trang - Quang Trung
Nguồn: Liên minh HTX Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây