Thu hút 8,1 triệu cá nhân và doanh nghiệp tác động 30 triệu lao động

Thứ hai - 14/06/2021 21:16
Năm 2020 là một năm đặc biệt với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã phấn đấu cùng cả nước thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng, đa dạng loại hình và lĩnh vực hoạt độngphát triển ở các địa phương; gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Về hợp tác xã: Đến cuối năm 2020, cả nước có 25.454 HTX (tăng 836 HTX so với cùng kỳ năm 2019, tăng bình quân 3,4%/năm); phân theo lĩnh vực hoạt động có: 16.520 HTX nông nghiệp, 1.188 Quỹ tín dụng nhân dân (Quỹ TDND), 2.058 HTX thương mại và dịch vụ, 1.469 HTX vận tải, 2.333 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 833 HTX xây dựng, 519 HTX môi trường, 534 HTX khác; phân theo vùng: Vùng Tây Bắc có 2.559 HTX, chiếm 10%; Đông Bắc có 4.378 HTX, chiếm 17,2%; Đồng bằng sông Hồng có 6.649 HTX, chiếm 26,1%; Bắc Trung Bộ có 3.911 HTX, chiếm 15,4%; Duyên hải miền Trung có 1.371 HTX, chiếm 5,4%; Tây Nguyên có 1.582 HTX, chiếm 6,2%; Đông Nam Bộ có 1.961 HTX, chiếm 7,7%; Đồng bằng sông Cửu Long có 3.043 HTX, chiếm 12%.

Về liên hiệp hợp tác xã: Đến cuối năm 2020, cả nước có 102 liên hiệp HTX, trong đó có 78 liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 76,5% và 24 liên hiệp HTX phi nông nghiệp, chiếm 23,5%, chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; hơn 50% liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả và làm tốt vai trò đầu mối kết nối các HTX thành viên với thị trường.

Về tổ hợp tác: Đến cuối năm 2020, cả nước có 119.248 THT, trong đó 75.126 THT nông nghiệp, chiếm 63%, 43.438 THT phi nông nghiệp, chiếm 37%. Vùng Tây Bắc có 11.657 THT, Đông Bắc 23.487 THT, Đồng bằng sông Hồng 14.548 THT, Bắc Trung Bộ 17.376 THT, duyên hải miền Trung 8.397 THT, Tây Nguyên 7.578 THT, Đông Nam Bộ 15.030 THT, Đồng bằng sông Cửu Long 21.205 THT. THT đa dạng về tên gọi và hình thức hoạt động, thành lập để liên kết tương trợ nhau sản xuất, vay vốn, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; khoảng 30% THT có lao động làm việc theo hợp đồng.

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác thu hút 8,1 triệu cá nhân và doanh nghiệp tham gia thành viên, chủ yếu ở địa bàn nông thôn, tác động tới 30 triệu lao động.

Đến cuối năm 2020, HTX, liên hiệp HTX, THT thu hút 8,4 triệu thành viên, trong đó THT thu hút 1,6 triệu thành viên; HTX thu hút 6,8 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia, chiếm 33% tổng số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn; tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người. Nhiều doanh nghiệp là thành viên của HTX tham gia quản trị, liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nông, lâm sản, như: Tập đoàn TH True Milk, Công ty chế biến gỗ Bảo Châu (tỉnh Phú Yên), Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình)... Quy mô thành viên của HTX và THT ngày càng tăng, cho thấy liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh là nhu cầu, xu thế tất yếu khách quan.

Hầu hết hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Về hợp tác xã: đến cuối năm 2020 hơn 96% các HTX đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012; cơ cấu lại 8.200 HTX; giải thể 5.124 HTX và 28 liên hiệp HTX hoạt động yếu kém.

16.520 HTX nông nghiệp tính đến cuối năm 2020. Có hơn 45% HTX thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra bằng hợp đồng với doanh nghiệp, nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

2.333 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được thành lập và hoạt động ở cả địa bàn nông thôn và thành thị, chủ yếu là làng nghề truyền thống; trong đó, chế biến nông, lâm, thủy sản chiếm 27%; gốm và gỗ mỹ nghệ chiếm 19%; mây tre đan chiếm 16%, dệt, may và thêu chiếm 15%; cơ khí, chế tạo chiếm 9%.... Nhiều HTX đầu tư công nghệ cao, mở rộng sản xuất, quy mô và hiệu quả ngày càng tăng; nhiều HTX xuất khẩu sản phẩm sang thị trường lớn (Nhật Bản, châu Âu) như HTX Cơ khí Hưng Thịnh, HTX Cơ khí Quang Minh, HTX Mộc Bảo Minh,…

2.058 HTX thương mại - dịch vụ, hoạt động ở cả địa bàn thành thị và nông thôn; tiện ích, chất lượng dịch vụ và giá cả hàng hóa phù hợp nhu cầu của thị trường; nhiều HTX đầu tư chuỗi cửa hàng, liên kết với HTX nông nghiệp, công nghiệp, tập đoàn bán lẻ lớn (SaigonCoop, Big C...).

1.469 HTX vận tải được thành lập và hoạt động với 02 mô hình chủ yếu là quản trị tập trung và làm dịch vụ hỗ trợ thành viên. Số lượng HTX vận tải tăng qua các năm, năng lực quản trị và chất lượng hoạt động được nâng lên; HTX vận tải đường bộ hỗ trợ thành viên về thủ tục hành chính, cung ứng vật tư, xăng dầu; nhiều HTX vận tải đường bộ, đường thuỷ ứng dụng công nghệ số trong điều hành kinh doanh, liên kết, hợp tác với các HTX, doanh nghiệp.

833 HTX xây dựng hoạt động chủ yếu là khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, nhận thầu thi công các công trình quy mô nhỏ để tạo việc làm và thu nhập cho thành viên. Các HTX đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động, đầu tư trang thiết bị, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh trong nhận thầu.

HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng gồm Ngân hàng HTX Việt Nam và 1.188 Quỹ TDND, cơ bản hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả; phát huy ưu thế trong huy động vốn, cho vay ở địa bàn nông thôn. Đến  cuối năm 2020, tổng nguồn vốn của Ngân hàng HTX đạt 42.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 21.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Hệ thống Quỹ TDND có tổng nguồn vốn hơn 130.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay thành viên hơn 94.000 tỷ đồng; nợ xấu dưới 1%; lãi bình quân 978 triệu đồng/Quỹ.

519 HTX môi trường thành lập và hoạt động ở địa bàn nông thôn, thị trấn và một số thành phố lớn, cung ứng dịch vụ thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; đối tượng phục vụ chủ yếu là các hộ gia đình, một số HTX cung cấp cả dịch vụ cho các cơ quan và doanh nghiệp.

534 HTX hoạt động trong các lĩnh vực khác (du lịch, y tế, giáo dục, nhà ở, điện năng, tạo việc làm...), chủ yếu ở địa bàn nông thôn; các HTX cung ứng cả dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên.

Về liên hiệp hợp tác xã: Các liên hiệp HTX chuyên ngành nông nghiệp và thương mại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động hiệu quả, làm tốt vai trò đầu mối kết nối các thành viên với các đối tác để cung ứng dịch vụ và sản phẩm theo nhu cầu của thành viên và thị trường, có khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Nếu tính cả Liên hiệp HTX thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (SaigonCoop) với gần 1.000 điểm bán hàng trên 47 tỉnh, thành phố, chiếm 38% thị trường bán lẻ cả nước và là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nộp ngân sách hơn 200 tỷ đồng/năm, thì quy mô, tài sản, lĩnh vực kinh doanh khá lớn, chiếm tỷ trọng cao trên thị trường trong nước.

 

Về tổ hợp tác: hoạt động chủ yếu ở địa bàn nông thôn, các thành viên tương trợ nhau trong sản xuất, cung ứng vật tư, vay vốn, thông tin thị trường, làm cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với người dân. Số liệu khảo sát bước đầu cho thấy, đến cuối năm 2020 có 25% THT đăng ký hoạt động, nhiều THT có tài sản chung, thành viên góp vốn, góp sức, có quy chế hoạt động.

Số lượng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương và sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu tăng; liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã với nhau, với tổ hợp tác và doanh nghiệp tăng lên.

Đến cuối năm 2020, cả nước có 1.292 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm gần 5% tổng số HTX; nhiều HTX đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong quản trị, xúc tiến thương mại; các Quỹ TDND ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị. Có 3.220 HTX liên kết chuỗi giá trị để chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành và tăng giá bán sản phẩm. HTX nông nghiệp thành lập mới theo Luật HTX năm 2012, mặc dù có số lượng thành viên từ 07 - 30 thành viên, nhưng cán bộ quản trị là lao động trẻ, có chuyên môn, năng động, sản xuất một số mặt hàng nông sản, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương.

Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô vừa và lớn tăng; đẩy mạnh huy động nguồn lực từ thành viên và thị trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, chiếm thị phần khá lớn trong sản xuất nông sản, bán lẻ và vận tải hành khách.

Đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 500 HTX, liên hiệp HTX có quy mô hơn 300 thành viên, doanh thu đạt từ 20 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng/năm, như: Liên hiệp HTX thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (SaigonCoop), vốn điều lệ hơn 3.200 tỷ đồng, doanh thu đạt 35.000 tỷ đồng, Ngân hàng HTX Việt Nam có tổng nguồn vốn 42.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay 21.000 tỷ đồng; Liên hiệp HTX vận tải xe buýt Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 77% thị phần vận tải trên địa bàn; HTX Rạch Gầm có tổng tài sản 650 tỷ đồng, khối lượng hàng hóa vận chuyển của HTX hơn 04 triệu tấn/năm, doanh thu bình quân 320 tỷ đồng/năm; HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1 - thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm; HTX Sunfood (Lâm Đồng); HTX Cơ khí và thương mại 2/9; HTX Bao bì giấy Hiệp Thành; HTX Cơ khí Đạt Thành, HTX sản xuất cơ khí gia dụng Hợp Tiến…; một số HTX có quy mô cấp huyện, tỉnh, như: HTX Lâm nghiệp công nghệ cao (Phú Yên), HTX nông nghiệp Phước Tín (Quảng Ngãi),...; một số HTX thành lập doanh nghiệp trong HTX, hoạt động theo mô hình tập đoàn, như: HTX bò sữa Tân Thông Hội (Thành phố Hồ Chí Minh), HTX Duy Sơn 2 (Quảng Nam), HTX Sông Lam (Nghệ An), HTX Anh Đào (Lâm Đồng),....

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; kinh tế tập thể, hợp tác xã đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế Nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả tăng từ 10% lên hơn 59%, cho thấy đầu tư và sức mua (tiêu dùng) của thành viên và HTX tăng lên đáng kể, tác động làm tăng GDP hằng năm. Đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào GDP của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. HTX, liên hiệp HTX, THT sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 18% - 32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác (SaigonCoop và các HTX thương mại chiếm hơn 40% thị phần bán lẻ hàng tiêu dùng); góp phần tích cực thực hiện đúng chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội. Đối với xuất khẩu, các HTX, liên hiệp HTX và THT tham gia chủ yếu ở khâu sản xuất nông sản, sản phẩm OCOP và một số mặt hàng công nghiệp chất lượng cao. Lao động trong HTX được đào tạo tay nghề gắn với sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong nông thôn; thu hút nhiều lao động trẻ có chuyên môn khởi nghiệp bằng mô hình HTX thuận lợi hơn so với thành lập doanh nghiệp ngày càng tăng, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long.

Chất lượng hoạt động của hợp tác xã

Vốn điều lệ

Tính đến 31/12/2020, tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã là 44.223.592 triệu đồng, bình quân 1,7 tỷ đồng/ hợp tác xã; tăng 9.586.255 triệu đồng so với năm 2019 (tương đương 28%). Các hợp tác xã giao thông vận tải có số vốn điều lệ cao hơn hẳn các lĩnh vực khác, đạt 7 tỷ đồng, Quỹ tín dụng nhân dân đạt 6 tỷ đồng, Hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng có số vốn điều lệ 1 tỷ đồng, riêng lĩnh vực nông nghiệp, vệ sinh môi trường vốn điều lệ trung bình đạt 900 triệu đồng/ hợp tác xã.

 

Tài sản

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản tăng xấp xỉ 40 nghìn tỷ đồng, trong đó, Quỹ tín dụng nhân dân tăng gần 28 nghìn tỷ đồng.

Hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị

Tính đến 31/12/2020, cả nước có gần 4000 hợp tác xã tham gia phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 1,5 lần so với năm 2019.

Phần lớn HTX có nhận thức và nhu cầu sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị để phát triển bền vững, nhiều HTX nông nghiệp, phi nông nghiệp đã huy động các nguồn lực, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam sử dụng các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa khoảng 40,5 tỷ đồng để hỗ trợ, xây dựng 63 mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị tại 62 tỉnh, thành phố, hỗ trợ 14 mô hình HTX phát triển sản xuất (hỗ trợ sinh kế).

Lê Huy ( Lược ghi Báo cáo thường niên 2020 Liên minh Hợp tác xã Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây