VCA làm việc với Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk về hỗ trợ phát triển KTTT theo hướng bền vững

Thứ hai - 12/04/2021 04:03
Chiều ngày 08/4, Đoàn công tác của Liên minh HTX Việt Nam bao gồm Cơ quan thường trực khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường, Công ty CETIC, Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung - Tây Nguyên đến khảo sát thực tế một số HTX và làm việc với Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk về triển khai thực hiện Nghị quyết và kế hoạch hành động của Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2021- 2025.
VCA làm việc với Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk về hỗ trợ phát triển KTTT theo hướng bền vững

 

Đồng chí Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đăk Lăk phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc, phía Liên minh HTX Việt Nam có đồng chí Hồ Dậy, Phó trưởng Cơ quan Thường trực khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng chí Lê Tuấn An, Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường; đồng chí Phan Văn Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CETIC, đồng chí Trần Quang Hậu - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung - Tây Nguyên và các thành viên trong đoàn.
Về phía Liên minh HTX tỉnh Đăk Lăk có đồng chí Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đồng chí Trần Đình Tương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh và đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, Giám đốc các HTX trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 579 HTX và 4 Liên hiệp HTX thu hút 64.000 thành viên tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho 21.000 lao động. Trong những năm qua, kinh tế tập thể tỉnh Đắk Lắk phát triển đúng định hướng, có chuyển biến tích cực, HTX phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, quy mô và lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng.
Đã xuất hiện nhiều HTX quy mô cấp xã, cấp huyện, có doanh nghiệp trực thuộc và chi nhánh ngoài tỉnh. Hình thành nhiều HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Theo số liệu thống kê của năm 2020, có 40 HTX ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, 100 HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ, có 08 sản phẩm của 7 HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3- 4 sao cấp tỉnh, nhiều HTX chuyển dần từ bán nguyên liệu thô sang chế biến sâu, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể vẫn còn tồn tại những khó khăn như đa số HTX có quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trang thiết bị lạc hậu, nhiều HTX yếu kém chưa giải thể.

Quang cảnh buổi làm việc 

Buổi làm việc với mục đích nắm bắt tình hình phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đắk Lắk, những thuận lợi khó khăn, tìm các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể theo hướng bền vững. Các đơn vị của Liên minh HTX Việt Nam giới thiệu các chương trình đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ HTX, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nhằm, kết nối cung - cầu, phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm HTX…
Để góp phần hỗ trợ HTX tỉnh Đắk Lắk phát triển, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường hỗ trợ cho 04 HTX thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm giúp sản phẩm HTX nâng cao thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường, có thể tham gia vào thị trường cao cấp như siêu thị, nhà hàng lớn...
Trước đó, từ ngày 05 đến ngày 07 tháng 4, Đoàn công tác của Liên minh HTX Việt Nam đã làm việc với Liên minh HTX tỉnh Gia Lai và Đắk Nông về giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo hướng bền vững.

Tác giả bài viết: Trần Hiền/Trung tâm Khoa học Công nghệ&Môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây