Hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân: Vẫn còn những "lỗ hổng"

Thứ tư - 29/05/2019 09:32
Thời gian qua, hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong việc cung ứng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, hoạt động của các Quỹ này vẫn tồn tại những hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn.

Toàn tỉnh hiện có 12 QTDND, tổng số vốn hoạt động 1.767 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 1.587 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 0,15%. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chú trọng công tác thanh tra, giám sát để các QTDND hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc. Tuy nhiên, hiện vẫn có không ít Quỹ còn bộc lộ một số hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất an toàn hệ thống. Trong quản trị, điều hành và kiểm soát, hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc một số Quỹ chưa đúng chức năng nhiệm vụ và còn chồng chéo; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ chủ chốt chưa được quan tâm đúng mức. Về hệ thống kiểm soát nội bộ và hoạt động của kiểm toán nội bộ, một số Quỹ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung điều lệ theo quy định, bộ phận kiểm toán nội bộ hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Phước An, huyện Krông Pắc họp xem xét hồ sơ cho vay.
Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Phước An, huyện Krông Pắc họp xem xét hồ sơ cho vay.

Đối với hoạt động nghiệp vụ, kinh doanh, vẫn còn nhiều tồn tại, sai sót trong việc cho vay, huy động vốn, chế độ tài chính và an toàn kho quỹ. Cụ thể, có những Quỹ cho khách hàng vay, nhưng thiếu giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn hoặc mục đích vay vốn chưa phù hợp; thẩm định hồ sơ chưa chặt chẽ, thiếu tài liệu để xác định hạn mức cho vay; công tác kiểm tra, giám sát vốn vay còn sơ sài, chưa phản ánh rõ tình hình hoạt động và kết quả sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, thành viên tự nguyện tham gia góp vốn vào QTDND còn hạn chế, việc góp vốn chủ yếu là từ các thành viên sáng lập; quy mô vốn tự có còn thấp, nguồn vốn hoạt động phần lớn phụ thuộc vào huy động tiền gửi của khách hàng nên tiềm ẩn rủi ro lớn về thanh khoản khi khách hàng rút tiền đột ngột, nhất là trong bối cảnh thị trường nông sản, bất động sản trên địa bàn tỉnh đang diễn biến bất thường…

 
Với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận, nhưng QTDND chưa nhận được nhiều hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách ưu đãi cho đối tượng tham gia loại hình tín dụng hợp tác xã so với các tổ chức tín dụng khác, nên chưa khuyến khích các thành viên tham gia góp vốn”.
 
Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Lắk

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk Nguyễn Kim Cương, để bảo đảm an toàn kho quỹ hệ thống và nâng cao hiệu quả hoạt động, các QTDND cần khắc phục những hạn chế trong quản trị, điều hành, kiểm soát và nghiệp vụ, kinh doanh; thực hiện nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành lãi suất đối với tiền gửi và cho vay, chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến kinh tế - xã hội và thị trường để điều chỉnh kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh phù hợp. Đồng thời, làm tốt công tác huy động vốn tại chỗ nhằm chủ động về nguồn vốn, tập trung vốn để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, giám sát và quản lý chặt chẽ dư nợ cho vay, không tăng dư nợ bằng mọi giá để dẫn đến rủi ro trong hoạt động.

Đặc biệt, các Quỹ cần tăng cường nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, chú trọng đào tạo, đào tạo lại cán bộ; tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương và Liên minh Hợp tác xã trong việc chỉ đạo, quản lý hoạt động hệ thống QTDND, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng này.

Khách hàng giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Huy Hoàng (huyện Ea Kar).
Khách hàng giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Huy Hoàng (huyện Ea Kar).

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các QTDND, ngày 2-5-2019, UBND tỉnh có văn bản số 3381/UBND-KT, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh những giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, hỗ trợ các Quỹ trong xử lý nợ xấu, thu hồi nợ, tài sản do khách hàng chây ỳ không trả nợ; quản lý cán bộ nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành, kiểm soát QTDND để nâng cao năng lực, trình độ và ý thức chấp hành pháp luật; đồng thời, tuyên truyền cho người dân và thành viên QTDND về hoạt động của Quỹ, đấu tranh với thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến hoạt động của các Quỹ.

Minh Thông

Nguồn tin: baodaklak.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây