Kinh tế dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thứ tư - 26/07/2023 14:05

Đại biểu cắt băng khai mạc Diễn đàn

Triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII ban hành, Quyết định 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, Quyết định 277/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức "Diễn đàn kinh tế dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã" cùng triển lãm "Con đường dược liệu" nhằm tập hợp, thông tin, quảng bá, hợp tác và liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị của các Hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, nhất là vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; tổng hợp các vấn đề chính sách và pháp luật để báo cáo Chính phủ, bộ, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã và doanh nghiệp ngành dược liệu, đẩy mạnh Xúc tiến thương mại và đàu tư dược liệu Việt Nam.

Tham dự và chủ trì Hội thảo "Kinh tế dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã" có các đồng chí: đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc; đồng chí Vũ Thanh mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Quang cảnh Diễn đàn

Nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược

Theo Quyết định 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Điều này đã cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Trong đó khu vực kinh tế tập thể, HTX, Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX đóng góp một phần quan trọng trong trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của Quyết định số 376 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao; Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự; Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc phát biểu tại Diễn đàn

Theo con số thống kê, tính đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu. Doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn thế giới đạt trên 100 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

Thống kê của Hải quan Nhật Bản, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Nhật Bản lên tới 8,6 triệu USD. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết tiềm năng cho dược liệu Việt Nam ở Nhật Bản - nước tiêu thụ dược phẩm lớn thứ hai thế giới - vẫn còn rất lớn, nhất là khi thời gian gần đây, nhiều công ty dược phẩm của Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn nhập khẩu dược liệu của Việt Nam.

Thông qua hội thảo, các phiên tọa đàm trực tiếp với sự tham luận của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về chủ đề thực trạng thị trường Việt Nam cũng như công tác bảo tồn dược liệu, diễn đàn là bức tranh tổng thể về Tinh hoa Dược liệu Việt, về thực trạng các nhà máy, HTX Việt Nam đang nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng cung ứng cho thị trường Việt và xuất khẩu bên cạnh đó cũng là những ý kiến thảo luận về những khó khăn thách thức của quá trình sản xuất Dược liệu hiện nay để mở ra những kiến nghị, giải pháp gửi đến các bộ ban ngành tại Việt Nam.

Một số bài thuốc dân gian của đồng bào dân tộc Việt Nam được giới thiệu tại Diễn đàn

Nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược 

Tại Việt Nam, Nhằm chủ động tham gia vào sân chơi toàn cầu, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Theo báo cáo của Viện Dược liệu từ năm 2011 đến nay, thông qua chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cấp Quốc gia, Viện Dược liệu đã chủ trì và phối hợp nghiên cứu trên một số đối tượng: Đảng sâm Việt Nam, hà thủ ô đỏ, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh, bạch truật, sâm bố chính, cát cánh, độc hoạt, kim ngân, huyền sâm. Sản phẩm đạt được từ các nhiệm vụ này là cơ sở dữ liệu về phân bố và đa dạng nguồn gen cây thuốc, vườn giống gốc, tiêu chuẩn giống, mô hình nhân giống, mô hình trồng và sơ chế dược liệu. Kết quả đạt được từ các nhiệm vụ này là tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trồng ở quy mô lớn hơn nhằm phát triển vùng nguyên liệu làm thuốc cho địa phương. 

Sản phẩm dược liệu của các HTX trưng bày, giới thiệu bên lề Diễn đàn

PGS.TS Trần Văn Ơn - Trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ tại Diễn đàn: Với thị trường trong nước, tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong Y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30,000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30,000 tấn/năm. Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam được ước lượng khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là Quế, Hồi và Thảo quả.

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách, Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thành viên Hợp tác xã Vân Đài cho biết: Hiện nay, HTX đã và đang cung cấp hơn được khoảng 12 giống cây giống dược liệu chủ lực phù hợp với sinh thái đồng bằng Sông Hồng và đặc biệt tỉnh Thái Bình, đồng thời hướng dẫn quy trình chăm sóc phù hợp để phát huy giá trị của nguồn dược liệu, góp phần tạo sản phẩm chất lược tốt phục vụ sức khoẻ người dân.

Tiến sĩ Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền trong bài tham luận của mình về chính sách phát triển Dược liệu Việt Nam cũng cho biết: Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống “chuỗi giá trị” phát triển dược liệu quý vùng Dân tộc thiểu số và Miền núi góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào Dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án gấp hai lần so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo “chuỗi giá trị”, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gien dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững. 

Một số HTX livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm ngay tại Diễn đàn

Với Quyết định 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Diễn đàn - Thế mạnh của kinh tế HTX Việt Nam thu hút gần 100 HTX tại các tỉnh thành Việt Nam tham dự  trưng bày đa dạng về các loại sản phẩm dược liệu như... cây dược liệu chăm sóc sức khỏe, tinh bột nghệ đen, nghệ đỏ, sắn dây, trinh nữ hoàng cung, cao dạ dày, xạ đen, các loại trà thảo dược, Kim ngân cuộng, Bạch chỉ, Kinh giới, Hà Thủ ô đỏ, Hoài sơn, Các sản phẩm tinh dầu các loại, sản phẩm từ Quế vỏ, Sâm Ngọc linh, củ hoài sơn, thanh long sấy, quả sung sấy, lá sen sấy Sacha Inhci nhân trắng sấy giòn, Dầu sacha inchi...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: Dược liệu Việt Nam là tài nguyên quý giá của đất nước và là thế mạnh của kinh tế tập thể HTX. Để các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định ra thế giới rất cần sự liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nhân. Chúng tôi hi vọng Diễn đàn lần này sẽ là sự chung tay của 4 nhà cùng nhau nỗ lực để đưa Dược liệu Việt Nam phát triển và hội nhập toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh. Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%.

Những yếu tố từ thực tế cho thấy, đây là một trong những cơ hội lớn cho các HTX sản xuất dược liệu tại Việt Nam. Để phát triển thành công ngành dược liệu Việt Nam như kỳ vọng, chúng ta không thể bỏ qua vai trò to lớn của khu vực kinh tế tập thể, HTX, một mô hình kinh tế có thế mạnh thu hút, tập hợp được đông đảo người dân, nhất là người dân khu vực miền núi, dân tộc thiểu số tham gia.

Với vài trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, trong những năm tới, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cũng đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực phát triển mô hình HTX, Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác dược liệu trên phạm vi cả nước.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:

 

Sản phẩm dược liệu được trưng bày, giới thiệu bên lề Diễn đàn

 
 
 
 

Đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm dược liệu của các HTX bên lề Diễn đàn

 

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường tặng hoa các diễn giả tham luận tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và đầu tư dược liệu Việt Nam - Một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn.

Quỳnh Trang - Lê Huy
Liên minh HTX Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây